Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Gặp hậu duệ của gia đình cụ Lý Ban (KC)

Bác Lý Ban tên thật là Bùi Công Quan, sinh 1912  tại Long Hoà, Cần Đước, Chợ Lớn (nay thuộc Long An). Bác tham gia An Nam Cộng sản Đảng vào 1930. Cũng như cha, bác là đảng viên cộng sản lớp đầu tiên của Việt Nam. Từ 1932 đến 1945 để tránh khủng bố của Thực dân Pháp, bác vượt biển sang Quảng Đông, tham gia đấu tranh cách mạng tại Trung Quốc. Tại đây mang tên mới Lý Ban. Bác Lý mất vào 30-9-1981, thọ 69 tuổi.
Cùng Tân, Cao Tư lệnh thăm đại gia đình họ Lý ở Quảng Châu. Tại nhà chị Niệm Vân.
       Sau khi bác trai mất, bác gái đề nghị với Bộ Ngoại giao cho gia đình  trở về Quảng Châu định cư. Năm 1982, gia đình anh Lý Tân Hoa, chị Kim Na, 2 cháu Đông Minh, Thanh Bình được Bộ Ngoại giao bố trí từ  thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, sau đó bay sang Băng Cốc để về Quảng Châu. Lần đó anh Hoa đưa cả nhà đến thăm mẹ tại nhà 99. Cuộc chia tay rất cảm động giữa những con người từng gắn bó, thân thiết với nhau. Hôm đó mẹ cầu mong cho gia đình anh Hoa may mắn, mong mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Trước khi đi, gia đình anh còn vào Lăng viếng Bác.


Vào 1983, bác Lý Ban gái, chị Lý Niêm Vân, cháu Quyên và gia đình Lý Tân Việt  trở về Quảng Châu. Ở Việt Nam còn lại gia đình Lý Tân Huệ (hiện là Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Xi măng Việt Nam).
Anh Hoa cho biết, trong thời gian quan hệ Việt-Trung rất xấu,  biết anh giỏi tiếng Việt, am hiểu Việt Nam, có người đề nghị anh viết bài nghiên cứu về Việt Nam, rồi mời anh sang Việt Nam công tác ở Đại sứ quán Trung Quốc nhưng anh đếu từ chối.
Từ khi hai nước Việt-Trung bình thường hoá quan hệ, mẹ nhà ta nhắc mấy anh em “khi nào có điều kiện phải tìm cho được  tin tức gia đình các anh chị nhà bác Lý Ban”. Năm 1993, sau khi tiễn đưa mẹ tại Hà Nội, anh và Quốc  vào thành phố Hồ Chí Minh, hỏi được địa chỉ nhà bác Lý trên đường Phạm Ngọc Thạch. Hai anh em đến thăm Lý Tân Huệ, thắp hương cho bác Lý. Hỏi thăm Huệ về bác gái, về các anh chị thì được biết: mẹ Huệ (bác Trần Lăng) cũng mất vào 1993. Huệ có sang Quảng Châu chịu tang. Huệ còn cho biết, khi về Quảng Châu bác gái  được hưởng chế độ “Lão Hồng Quân” (dành cho các cán bộ tham gia từ 1935). Bác được phân căn hộ trong một khu đặc biệt cạnh Nghĩa trang liệt sỹ Hoàng Hoa Cương. Hiện anh Hoa, chị Na đang ở căn hộ này.
       Anh Hoa, chi Na, chị Vân khi về Quảng Châu được bố trí công tác tại Đại học Kế Nam. Gia đình Lý Tân Việt sang định cư tại Mỹ. Các cháu Đông Minh, Thanh Bình, Quyên  sau khi về Quang Châu phải học tiếng Trung. Đông Minh sau đó thi vào Khoa Kinh tế, Đại học  Kế Nam Quảng Châu.
        Anh Hoa sau khi về hưu, có thời gian đến Bằng Tường làm việc. Anh thường được mời làm cố vấn cho các đoàn doanh nhân Trung Quốc sang Việt Nam tìm cơ hội đầu tư. Anh từng tìm về nhà 99, gặp Trung, Minh, uống rượu, tâm sự nhiều chuyện.
Năm 2000 khi sang Nam Ninh  học tiếng Trung 4 tháng, anh đã tìm được điện thoại của anh Hoa. Hai anh em gặp nhau tại Nam Ninh, bên nhau trao đổi nhiều vấn đề có liên quan đến  bác Lý Ban và cuộc đời hoạt động cách mạng của bác từ 1927 đến 1981. Những tư liệu do anh Hoa cung cấp, khi về nước được kiểm chứng qua các nhân chứng lịch sử, qua các tư liệu của nhiều gia đình lão thành, qua các tư liệu lịch sử được Nhà  nước công bố; sau đó anh đã viết một số bài về Lý Ban, một chiến sỹ quốc tế của Đảng ta, một người có công với Tổ quốc Việt Nam.
         Năm 2001, anh và chị Hà có chuyến du lịch về Quế Lâm, Nam Xương. Sau khi  hết tour tách đoàn, đi Bắc Kinh, sau đó về Quảng Châu. Chị Vân ra sân bay Bạch Vân đón về nhà. Lần đó được gặp cả nhà anh Lý Tân Hoa, chị Kim Na, cháu Đông Minh,  vợ chồng cháu Quyên.
        Anh Hoa nghỉ hưu năm 1997 được hưởng chế độ Phó giáo sư, tham gia cách mạng trước 1949 (anh làm liên lạc tại chiến khu Việt Bắc, tham gia thiếu sinh quân). Chị Kim Na về công tác tại thư viện, về hưu 1995. Hiện nay lương hưu của anh Hoa là 9000 ND tệ, chi Na là 7000 ND tệ; thuộc loại  phong lưu (khoảng 2500 USD).
Chị Vân sau một thời gian dạy tiếng Anh tại Đại học Kế Nam xin về hưu non, chuyển sang nhận gửi  hàng quần áo, đồng hồ sản xuất tại  Quảng Đông  cho học trò cũ (nguyên  sinh viên khoa Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh) làm ăn tại Liên Xô, Tiệp Khắc.  Đến 2004, chị và cháu Quyên vẫn gửi hàng sang Tiệp. 
Vào năm 2004, anh cùng Công, Trung sang Quảng Châu, có đến xem hàng hóa do cháu Quyên đóng gói chuyển đi Tiệp. Chủ doanh nghiệp may Trần Thành Công xem đến lô  quần  bò (Jeans) đã có nhận xét “hàng chất lượng rất tốt”. Chị Vân có đánh hàng sang Ăngola cho vợ chồng Việt “béo”  (một nhân vật rất quen biệt với nhà 99, vì  khi dạy học ở Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, chị quen thân với Liên (giáo viên Khoa Nga, vợ Việt). Khi hai vợ chồng Việt sang Nga làm ăn đã có quan hệ với chị Vân. Sau khi chuyển địa bàn sang Châu Phi, vợ chồng Việt lại liên hệ với chị Vân, nhờ cung cấp hàng sang hàng may mặc của  Quảng Đông, phù hợp với thị trường Châu Phi.  
Viết mấy dòng như vậy, cho thấy, chị Vân rất năng động, giỏi giang trong việc làm ăn khi nền kinh tế Trung Quốc chuyển sang kinh tế thị trường. Mối quan hệ của chị với các bạn hàng Việt Nam rất tốt, tin tưởng lẫn nhau, hai bên đều có lợi. Hiện lương hưu  giáo viên đại học của chị Vân là  7000 ND tệ (1150USD).
Cháu Quyên hiện sang Úc định cư, mở cửa hàng Spa tại Sidney. Cháu sinh được một con gái, rất xinh và đáng yêu; năm nay đã 5 tuổi .
        Một thành viên khá đặc biệt của gia đình họ Lý là cháu đích tôn của bác Lý Ban -  Lý Đông Minh. Khi sinh cháu, anh Hoa và chị Na lấy tên của hai cụ lãnh tụ Việt-Trung là Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh ghép lại thành tên của Lý Đông Minh. Còn em của Minh  tên là Lý Thanh Bình: ghép tên của hai lão thành cách mạng Việt Nam mà anh Hoa rất yêu kính, quý trọng là Nguyễn Chí Thanh và Trần Tử Bình. Hiện nay  Thanh Bình đã có gia đình, cháu đang làm việc tại Đai học Kế Nam. Lần này sang không gặp vì cháu bận việc tại trường.
       Đông Minh sau khi học xong đại học từng làm việc tại nhiều công ty, trong đó có cả các công ty nước ngoài. Khi Thâm Quyến mở Thị trường chứng khoán, Minh cũng từng “ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán”. Đầu 2000 khi thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa, Minh cùng vài bạn  sang Việt Nam, mua bán cổ phiếu. Minh cho biết lần đó thắng đẹp. Sau đó cũng giống như ở  thị trường chứng khoán Thâm Quyến, giá trị cổ phiếu tụt xuống sau thời kỳ  "bong bóng". Cũng may Minh  kịp  rút khỏi thị trường Việt Nam. Nói như vậy cho thấy  Lý Đông Minh từng trải trên trường đời.
 Trong đời do đam mê khám phá nền khoa  học  cổ truyền Trung Hoa thần  bí, cháu tầm sư học đạo, theo học một bộ môn rất cần cho con người tại Quảng Đông, đó là phép  xem Phong Thuỷ. Lần này gặp Minh, cháu cho biết công việc rất nhiều, đủ hạng người tìm đến cháu để xin tham vấn về phong thuỷ: khi xây các công trình hoành tránh, khi xây các biệt thự sang trọng, khi mua căn hộ trong một chung cư, khi xem mồ mả... Người Quảng Đông rất năng động, làm ăn giỏi và rất chú ý về phong thuỷ cho bản thân, cho hậu vận nên Minh bận là phải.
Trong mấy năm lại đây Minh có học trò đến  tầm sư học đạo. Là người  có tâm, Minh sẵn sàng  truyền lại những gì hiểu biết cho thế hệ kế tiếp, để góp phần  làm tốt cho đời. Minh cho biết, hiện nay khi ra đường nhiều người nhận ra thầy phong thuỷ Lý Đông Minh. Nhưng họ đâu có biết trong dòng  máu của Thầy Minh có một phần  dòng máu Việt.
Lần này hội ngộ khi nói đến gia đình bác Bình, anh Hoa luôn nhắc đến những kỷ niệm về cha, về những sự giúp đỡ, khuyên bảo của cha đối với anh và chị Na. Trong mấy năm lại đây, mỗi khi anh Hoa, chi Vân, chị Na, các cháu Minh, Quyên về Việt Nam đều  dành thời gian gặp gỡ gia đình ta.
Cả nhà ta trong thành phố cuối tháng 4-2011 đã đến dự lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho bác Lý Ban. Lý Tân Huệ đã thay mặt đại gia đình đón nhận tấm huân chương cao quý này.
       Quan hệ  thân thiết giữa hai gia đình  sẽ được gìn giữ cho đời con, cháu chúng ta.





3 nhận xét:

  1. Sau này qua chú Khái (bố vợ anh Bính (cùng bộ môn Vô tuyến, Đại học KTQS), người được cha phi xe cả đêm đến tuyên bố trắng án khi sắp bị "đội" treo cổ thời kì Sửa sai 1956 ở Nông trường Đông Hiếu, Tây Hiếu - Nghệ An) mà quen chú Đông Sơn ở An ninh ngoại tuyến Sở CAHN. Chú Sơn kể, khi gia đình anh Hoa từ SG ra HN để chuẩn bị đi Quảng Châu cũng bị trên giao nhiệm vụ cho ngoại tuyến bám sát. Thậm chí lái xe Volga chở gia đình đến thăm mẹ ở 99 THĐ và đi thăm Lăng Bác cũng là "đặc tình".

    Trả lờiXóa
  2. Trong thời kỳ ấu trĩ đó -Ta đánh ta .Anh được biết trong các bài nói chuyện (lên lớp) cho cán bộc cao cấp,những người được coi là "Thân Trung Quốc" gồm có Hoàng Văn Hoan, ngoài ra còn có Lý Ban, Chú Văn Tấn,Lê Quảng Ba,Bằng Giang và cha ,dù mất vào năm 1067 nhưng vẫn được nhắc đến.Quan niệm thấn TQ rất chung ,chung,Ai từng học ở TQ đều phải được xem xét, Chú Lê Quang Đạo nói với anh ,anh Quốc vào 1996 rằng,Bác Hồ là người thân Trung Quốc nhất,ông Lê Duân thời kỳ 1950-1958 là người mê Trung Quốc nhất. Cách hành sử như vậy rất ấu trĩ.KC

    Trả lờiXóa
  3. Sau ngày cha mất, giỗ cha năm nào mẹ cũng mời bác Lý, cô Quế, bác Mỹ, chú Đỉnh (Văn phòng TW). Nhiều ảnh ở mộ cha còn được lưu giữ kỉ niệm này. Thật thân tình.
    Qua câu chuyện này mới biết tình cảm của các thành viên trong đại gia đình họ Lý nói chung và gia đình anh Lý Tân Hoa nói riêng như thế nào với gia đình ta.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.